Lễ Rước dâu chính là một giai bước quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Cả nhà trai và nhà gái đều phải chuẩn bị cho mình bài phát biểu trong buổi Lễ xin dâu.
Một bài phát biểu hàm súc, mạch lạc thể hiện tính trang trọng của buổi lễ. Điều này không chỉ thể hiện tính chu đáo của vị chủ hôn; mà còn giúp buổi lễ diễn ra tốt đẹp.

Hầu hết tất cả các bài phát biểu khi thực hiện nghi thức cưới hỏi đều bắt đầu bằng việc thưa chuyện với bậc cao niên, đại diện hai họ và quan khách. Sau đó là phần giới thiệu về bản thân của người phát biểu và mục đích của buổi lễ. Dưới đây là một mẫu bài phát biểu của nhà trai và nhà gái trong Lễ rước dâu.
Mẫu bài phát biểu trong lễ xin dâu cho nhà trai

“Kính thưa cụ ông, cụ bà, bà con, anh em nội ngoại của gia đình hai bên!
Hôm này tôi đại diện cho họ nhà trai, trước tiên xin kính chúc sức khoẻ các cụ ông cụ bà của hai gia đình, anh em họ hàng của hai cháu.
Tôi xin được tự giới thiệu tôi tên là [họ tên người phát biểu] là…của cháu [họ tên chú rể]. Được sự chấp thuận của hai bên gia đình, hôm nay họ nhà trai chúng tôi xin có cơi trầu kính dâng gia tiên bên nhà gái.
Tôi trân trọng xin phép được cử hành lễ rước dâu, chính thức đón cháu [họ tên cô dâu] về làm dâu trong nhà và làm con cháu dòng họ [họ nhà trai] chúng tôi.
Đồng thời gia đình chúng tôi cũng xin phép gia đình ông [họ tên cha cô dâu] và bà [họ tên mẹ cô dâu] cho cháu [họ tên cô dâu] được làm con làm cháu trong gia đình ông bà [họ tên song thân chú rể].
Kính mong ông bà nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi. Kính thưa các cụ ông cụ bà, bà con cô bác, anh em nội ngoại, bạn bè của hai cháu.
Giờ lành đã đến tôi xin đại diện cho đoàn đại biểu họ nhà trai xin trân trọng cảm ơn sự đón tiếp của họ nhà gái. Tôi mong rằng trong tương lai, tình cảm mà hai gia đình dành cho nhau sẽ ngày càng thân thiết hơn.
Sau đây xin phép các cụ ông, cụ bà, anh em nội ngoại và các bạn của hai cháu họ nhà trai, chúng tôi được đưa cháu [họ tên cô dâu] về gia đình ông bà [họ tên cha mẹ chú rể] để tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu
Kính mời các cụ ông cụ bà cùng bà con họ hàng của hai cháu về dự buổi lễ với họ nhà trai chúng tôi.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!”
Bài phát biểu trong lễ xin dâu của nhà gái

“Kính thưa các cụ ông cụ bà. Kính thưa bà con nội ngoại của hai gia đình cùng bạn bè thân thiết của hai cháu.
Tôi xin đại diện cho họ nhà gái gửi lời kính chúc sức khoẻ tới các cụ ông cụ bà, anh chị em của hai gia đình, bạn bè thân thiết của hai cháu.
Tôi xin chân thành cám ơn sự có mặt đông đủ tại đây để chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu [họ tên chú rể] và [họ tên cô dâu].
Kính thưa toàn thể các cụ ông cụ bà, bà con cô bác, anh chị em của hai cháu. Sau khi trải qua quá trình tìm hiểu và được sự nhất trí tác thành hạnh phúc của cha mẹ hai bên, hai cháu [họ tên chú rể] và [họ tên cô dâu] xin được phép xây dựng hạnh phúc trăm năm.
Hôm nay là ngày lành tháng tốt, tôi xin được phép thay mặt gia đình nhà gái nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai. Đồng thời thay mặt họ nhà gái, tôi chính thức nhận cháu [họ tên chú rể] làm con rể ông bà [họ tên cha mẹ cô dâu], làm con cháu dòng họ chúng tôi.
Đồng thời cho phép nhà trai được đón cháu [họ tên cô dâu] về gia đình để tổ chức lễ Thành hôn cho 2 cháu. Một lần nữa tôi chân thành xin kính chúc sức khỏe các ông các bà, cô bác anh chị em, bạn bè của gia đình hai bên.
Chúc cho tình thông gia giữa 2 gia đình chúng ta ngày càng bền chặt. Chúc cho buổi hôn lễ hôm nay thành công tốt đẹp. Chúc hai cháu [họ tên chú rể] và [họ tên cô dâu] trăm năm hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!”

Trên đây là mẫu phát biểu trong lễ rước dâu dành cho nhà trai và nhà gái. Có thể tùy vào phong cách địa phương mà điều chỉnh ngôn ngữ cho phù hợp.
Thật ra, một bài phát biểu trong lễ rước dâu chuẩn chỉ cần yếu tố chân thành, và giọng nói trang trọng của người chủ hôn. Chúc cô dâu, chú rể sẽ có một lễ rước dâu hoàn hảo trong mùa cưới 2019 này nhé!